Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Các bệnh thường gặp ở trẻ khi mùa hè đến (phần 3)

Với đặc điểm nóng ẩm của mùa hè là thời điểm thuận lợi của nhiều bệnh, trong đó đáng lưu ý nhất là các bệnh do vi nhiễm virut, vi khuẩn, ký sinh trùng. Ở trẻ em, do sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, nên vào mùa nắng nóng có nguy cơ cao mắc một số bệnh nguy hiểm. Số lượng trẻ em đến khám tại các trung tâm y tế tăng cao vào mùa hè, đặc biệt và những ngày nắng nóng kéo dài



5.  Bệnh thủy đậu
-  Nguyên nhân gây bênh: Thủy đậu (hay còn gọi là bệnh phỏng rạ, trái rạ) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Varicella-Zoster gây ra. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng mắc nhiều nhất là ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 90%). Bệnh lây truyền theo đường hô hấp do hít phải những giọt nước bọt trong không khí có chứa vi rút hoặc do tiếp xúc với vùng da bị tổn thương của người bị bệnh thủy đậu. Đây là một bệnh có tính lây truyền rất cao, nếu trẻ chưa được tiêm phòng hoặc chưa từng bị thủy đậu thì 90% có thể bị mắc bệnh khi tiếp xúc gần với người đang bị thủy đậu.
- Biểu hiện bênh: Thông thường, bệnh thủy đậu lành tính nhưng nếu để bị biến chứng thì rất nguy hiểm đối với sức khỏe. Khi trẻ bị thủy đậu, với các biểu hiện: sốt nhẹ, đau họng, nhức đầu, nổi hồng ban sau đó nhanh chóng chuyển thành bóng nước, lúc đầu chứa dịch trong sau hóa đục, xuất hiện ở thân mình, đầu mặt, tay chân, niêm mạc miệng, cơ quan sinh dục,… 
- Cách điều trị: cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và có chỉ định điều trị phù hợp. Nếu bệnh nhẹ, có thể điều trị ở nhà. Cha mẹ có thể dùng dung dịch sát khuẩn như xanh methylene chấm vào mụn phỏng, mặc quần áo bằng vải mềm cho trẻ. Cách ly trẻ để tránh lây nhiễm cho những người xung quanh. Cần giữ vệ sinh cho trẻ bằng cách: dùng nước ấm và khăn mềm thấm nước lau người cho trẻ, lau rửa nhẹ nhàng, tránh làm trợt các nốt thủy đậu. Sau đó, dùng khăn xô thấm khô người và mặc quần áo cho trẻ. Chú ý giữ vệ sinh nhà cửa, giường chiếu, phòng trẻ nằm phải thoáng mát, không có gió lùa. Nhắc trẻ không gãi các nốt thủy đậu. Cần cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu như cháo, súp, uống nhiều nước như nước lọc, nước canh và ăn thêm hoa quả bổ sung vitamin như cam, chuối,…
Nếu được điều trị và chăm sóc đúng cách, chỉ sau khoảng 1 tuần - 10 ngày, các nốt thủy đậu sẽ khô và bong vảy, sau một thời gian vết thâm sẽ hết và không để lại sẹo.


 6. Rôm sảy
- Biểu hiện bệnh: là những mụn nước nhỏ li ti xuất hiện ở những vùng mồ hôi tiết ra nhiều như: trán cổ, ngực, lưng... 
- Nguyên nhân: do sự tăng tiết và ứ đọng mồ hôi, tạo nên phản ứng viêm nhiễm da. Bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ hơn người lớn vì da trẻ mỏng, cấu trúc chưa ổn định nên rất dễ tổn thương, dị ứng và nhiễm trùng.
- Cách phòng và điều trị: Đa số trẻ chỉ bị rôm sảy khi nóng, còn khi thời tiết mát mẻ, rôm tự lặn hết không gây tác hại gì. Điều quan trọng là cha mẹ cần tắm cho trẻ hằng ngày để da sạch sẽ, cho bé ăn các đồ mát. Trong một số trường hợp, trẻ không được chú ý tắm rửa, gãi nhiều khiến da xây xát, bị nhiễm khuẩn thành mụn mủ. Khi đó trẻ cần được đưa đi khám để được điều trị kịp thời.
Để phòng bệnh cho trẻ, trong những ngày nắng nóng, cha mẹ cần chú ý tắm rửa cho trẻ sạch sẽ, lau khô da sau đó rắc một lớp phấn rôm thật mỏng. Nếu da ẩm ướt, phấn sẽ bết lại, bít kín lỗ chân lông, rôm sảy càng mọc nhiều hơn nhất là những khe, kẽ. Cho trẻ mặc quần, áo rộng, bằng chất liệu coton thấm mồ hôi, ở trong phòng thoáng mát.
Một khi trẻ đã bị rôm sẩy thì cha mẹ không nên rắc phấn rôm nữa mà đưa trẻ đi khám để được tư vấn, điều trị phù hợp. Đồng thời, hạn chế để bé không gãi làm trầy xước da, dễ gây nhiễm trùng.
Để phòng các bệnh mùa nắng nóng cho trẻ, các chuyên gia y tế đều cho rằng, khâu vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm là rất quan trọng. Đối với trẻ nhỏ cần tắm rửa hằng ngày và lưu ý lau khô các kẽ để tránh ẩm ướt da làm cho vi khuẩn dễ phát triển gây viêm da. Tránh để hướng gió của quạt thổi trực tiếp vào mũi họng của trẻ, cho trẻ uống nhiều nước và tiêm phòng đầy đủ...

0 nhận xét:

Đăng nhận xét