Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Nấm độc đe dọa tính mạng người dùng

PN - Ngày 26/3, Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân tuyệt đối không chế biến thức ăn từ các loại nấm mọc hoang dại quanh vườn nhà, trong rừng, khe suối…


Chỉ trong hai tuần vừa qua, tại các tỉnh phía Bắc đã có bảy người tử vong do ăn phải nấm hoang dại. Thạc sĩ Cổ Đức Trọng, Trung tâm Nghiên cứu linh chi và nấm dược liệu (TP.HCM), người có nhiều năm nghiên cứu các loại nấm ở Việt Nam cho rằng, đây là điều bất thường vì chưa đến mùa mưa mà số người tử vong do nấm độc đã tăng cao.


Trao đổi với Báo Phụ Nữ ngày 27/3, ông Trọng miêu tả rõ các loại nấm độc rất dễ phát hiện vào mùa xuân ở phía Bắc hay mùa mưa ở hầu hết các vùng miền trên cả nước. Những loại nấm này có thể gặp ở ven đường, bãi cỏ, bụi rậm, trong vườn nhà, dọc đường đi và nhiều nhất là ven rừng. Ngay cả ở những thành phố lớn, nếu có bãi cỏ, vườn cây... nấm vẫn có thể mọc sau mỗi đợt mưa. Nấm hoang dại có nhiều hình dạng, màu sắc khác nhau. Muốn biết nấm có độc tố phải cần tới các trang thiết bị của phòng thí nghiệm.


Ông Trọng khuyên, để tránh nhầm lẫn, người dân tuyệt đối không hái các loài nấm mọc hoang nếu không thực sự biết chắc chắn đó là nấm gì. Các loài nấm độc mà người dân thường hay bị ngộ độc ở nước ta hơn 90% là các loài nấm thuộc chi Amanita, đây là chi có khá nhiều loài nấm độc như: Amanita verna, Amanita phalloides, Amanita muscaria...
Rất nhiều người dân cho rằng, nấm độc là những loài nấm có màu sắc sặc sỡ, có mùi khó ngửi... dẫn đến những nhầm lẫn đáng tiếc. Thật ra, các loại nấm độc gây ra các vụ ngộ độc đều là các loài nấm có màu sắc trắng muốt hoặc vàng nhạt, mùi thơm dễ chịu như mật ong... Có thể kể như Amanita verna có màu trắng, Amanita phalloides có màu vàng nhạt đến vàng đất. Do cộng sinh với các cây gỗ nên thường mọc thành từng đám, mật độ dày hoặc rải rác chung quanh các gốc cây. Các loài trong chi Amanita có đặc điểm hình thái rất dễ nhận biết là luôn có vòng cổ trên cuống, gốc cuống luôn có bao gốc, đôi khi trên mũ nấm còn rải rác các vảy, vết tích của vòng bao nấm còn sót lại.


Ghi nhận trên thị trường, các loại nấm bán ở các chợ hiện hầu hết là nấm trồng (ngoại trừ nấm mối và nấm tràm là được thu hái tự nhiên). Các chuyên gia cho rằng, với nấm trồng, người tiêu dùng chỉ cần lưu ý về tuổi nấm như nấm có già không, tai nấm có “bung dù”, có bị nhầy nhớt do nhiễm khuẩn...
Ông Cổ Đức Trọng cho biết thêm, các nhà khoa học phân ra tám nhóm chất độc có ở nấm. Khi ăn phải nấm độc, có rất nhiều dấu hiệu nhận biết. 
Chẳng hạn: đau bụng, nôn mửa dữ dội, hôn mê và thường tử vong khi ăn phải nấm độc thuộc nhóm Amanitoxin. Nhóm Gyromitin gây cảm giác sưng phù, chuột rút, uể oải, thiếu kiểm soát cơ. Nhóm Orellain gây triệu chứng khát nước, khô môi, đau lưng, nôn mửa… Nhóm Muscarine gây co thắt đồng tử, ảo giác, tụt huyết áp... Nhóm Muscimol gây triệu chứng co bắp thịt, hôn mê, ảo giác. Nhóm Coprine làm mặt và cổ nóng, tay tê cóng, tim đập mạnh... Nhóm Psilocybin và Psilocin gây ảo giác, cười vô ý thức. Các triệu chứng ngộ độc xảy ra càng sớm sau khi ăn càng dễ cứu chữa. Nếu triệu chứng xảy ra sau 12 giờ ăn thì khả năng cứu chữa rất thấp vì chất độc đã vào máu. Khi bị ngộ độc nấm, điều đầu tiên là phải làm người bị ngộ độc nôn ra hết thức ăn và đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Theo báo phụ nữ


“Hành trình Đỏ” phát động kế hoạch xuyên Việt năm 2014

Thông tin về các cuộc họp bàn kế hoạch Hành Trình Đỏ 2014 liên tục được cập nhật trên các diễn đàn xã hội. Giới trẻ yêu tình nguyện, đặc biệt là với màu Đỏ sẻ chia đang háo hức đón đợi những bật mí của ban tổ chức về kế hoạch 63 tỉnh thành cho mùa yêu thương Đỏ thứ hai.


Ghi nhận của truyền thông Hành Trình Đỏ, sau hàng loạt thông tin từ trang cá nhân của các vị "lãnh đạo cấp cao" của chiến dịch, cùng với những thông tin, hình ảnh được bật mí về các cuộc họp bàn của ban tổ chức chiến dịch 2014 tại hai đầu cầu Hà Nội và TP HCM, hàng loạt các tin nhắn, bình luận của các bạn trẻ trên cả nước được gởi về với mong muốn góp mặt trong đội quân của mùa yêu thương Đỏ lần 2 sắp đến.


Những ngày gần đây, trên mạng xã hội Facebook, với những người yêu công tác tình nguyện Đỏ đang rạo rực lên những  thông tin về kế hoạch Hành Trình Đỏ 2014 sẽ được thực hiện tại 63 tỉnh thành, rằng cơn bão yêu thương sẽ bùng nổ trên cả nước vào màu hè sắp đến, huy động số lượng TNV gấp 5 lần, ...


Đa số các ý kiến gởi về ban tổ chức đều rất ủng hộ và tán thành về kế hoạch thực hiện hành trình tại 63 tỉnh thành. Rất nhiều các bạn trẻ tại các tỉnh không nằm trong lộ trình 2013 đã "lên tiếng" với mong muốn được góp sức cho mùa hè Đỏ 2014. Bên cạnh đó cũng có những ý kiến cho rằng ban tổ chức nên xem xét kỹ lưỡng để chương trình đạt được thành công lớn và vững chắc.


 Tuần qua, các CLB Hành trình Đỏ tại 15 tỉnh, thành phố trên cả nước đã đồng loạt có những hoạt đồng kỷ niệm 1 năm tuổi của chiến dịch Hành trình Đỏ (22.3.2013 - 22.3.2014). Đặc biệt, đã có 2 CLB Hành trình Đỏ được thành lập mới tại Đắc Lắc.
Hành trình Đỏ là chiến dịch vận động hiến máu xuyên Việt do Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện (HMTN), Bộ Y tế, Hội chữ thập đỏ Việt Nam, Viện huyết học truyền máu TƯ phát động. Sau một năm, Hành trình Đỏ xuyên Việt qua 35 tỉnh, thành phố trên cả nước, đưa 120 tình nguyện viên (TNV) dừng chân ở 15 tỉnh, thành đã vận động và thu được tổng cộng 12.142 đơn vị máu.
Hành trình Đỏ năm 2014 dự kiến sẽ đi qua 38 tỉnh, thành và dừng chân tại 25 tỉnh, thành trên cả nước. Thời gian xuyên Việt (kể cả tập huấn) trong 35 ngày đêm, từ 25.6.2014 đến 1.8.2014. 
Theo báo Lao động


Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Các bệnh thường gặp ở trẻ khi mùa hè đến (phần 3)

Với đặc điểm nóng ẩm của mùa hè là thời điểm thuận lợi của nhiều bệnh, trong đó đáng lưu ý nhất là các bệnh do vi nhiễm virut, vi khuẩn, ký sinh trùng. Ở trẻ em, do sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, nên vào mùa nắng nóng có nguy cơ cao mắc một số bệnh nguy hiểm. Số lượng trẻ em đến khám tại các trung tâm y tế tăng cao vào mùa hè, đặc biệt và những ngày nắng nóng kéo dài



5.  Bệnh thủy đậu
-  Nguyên nhân gây bênh: Thủy đậu (hay còn gọi là bệnh phỏng rạ, trái rạ) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Varicella-Zoster gây ra. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng mắc nhiều nhất là ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 90%). Bệnh lây truyền theo đường hô hấp do hít phải những giọt nước bọt trong không khí có chứa vi rút hoặc do tiếp xúc với vùng da bị tổn thương của người bị bệnh thủy đậu. Đây là một bệnh có tính lây truyền rất cao, nếu trẻ chưa được tiêm phòng hoặc chưa từng bị thủy đậu thì 90% có thể bị mắc bệnh khi tiếp xúc gần với người đang bị thủy đậu.
- Biểu hiện bênh: Thông thường, bệnh thủy đậu lành tính nhưng nếu để bị biến chứng thì rất nguy hiểm đối với sức khỏe. Khi trẻ bị thủy đậu, với các biểu hiện: sốt nhẹ, đau họng, nhức đầu, nổi hồng ban sau đó nhanh chóng chuyển thành bóng nước, lúc đầu chứa dịch trong sau hóa đục, xuất hiện ở thân mình, đầu mặt, tay chân, niêm mạc miệng, cơ quan sinh dục,… 
- Cách điều trị: cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và có chỉ định điều trị phù hợp. Nếu bệnh nhẹ, có thể điều trị ở nhà. Cha mẹ có thể dùng dung dịch sát khuẩn như xanh methylene chấm vào mụn phỏng, mặc quần áo bằng vải mềm cho trẻ. Cách ly trẻ để tránh lây nhiễm cho những người xung quanh. Cần giữ vệ sinh cho trẻ bằng cách: dùng nước ấm và khăn mềm thấm nước lau người cho trẻ, lau rửa nhẹ nhàng, tránh làm trợt các nốt thủy đậu. Sau đó, dùng khăn xô thấm khô người và mặc quần áo cho trẻ. Chú ý giữ vệ sinh nhà cửa, giường chiếu, phòng trẻ nằm phải thoáng mát, không có gió lùa. Nhắc trẻ không gãi các nốt thủy đậu. Cần cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu như cháo, súp, uống nhiều nước như nước lọc, nước canh và ăn thêm hoa quả bổ sung vitamin như cam, chuối,…
Nếu được điều trị và chăm sóc đúng cách, chỉ sau khoảng 1 tuần - 10 ngày, các nốt thủy đậu sẽ khô và bong vảy, sau một thời gian vết thâm sẽ hết và không để lại sẹo.


 6. Rôm sảy
- Biểu hiện bệnh: là những mụn nước nhỏ li ti xuất hiện ở những vùng mồ hôi tiết ra nhiều như: trán cổ, ngực, lưng... 
- Nguyên nhân: do sự tăng tiết và ứ đọng mồ hôi, tạo nên phản ứng viêm nhiễm da. Bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ hơn người lớn vì da trẻ mỏng, cấu trúc chưa ổn định nên rất dễ tổn thương, dị ứng và nhiễm trùng.
- Cách phòng và điều trị: Đa số trẻ chỉ bị rôm sảy khi nóng, còn khi thời tiết mát mẻ, rôm tự lặn hết không gây tác hại gì. Điều quan trọng là cha mẹ cần tắm cho trẻ hằng ngày để da sạch sẽ, cho bé ăn các đồ mát. Trong một số trường hợp, trẻ không được chú ý tắm rửa, gãi nhiều khiến da xây xát, bị nhiễm khuẩn thành mụn mủ. Khi đó trẻ cần được đưa đi khám để được điều trị kịp thời.
Để phòng bệnh cho trẻ, trong những ngày nắng nóng, cha mẹ cần chú ý tắm rửa cho trẻ sạch sẽ, lau khô da sau đó rắc một lớp phấn rôm thật mỏng. Nếu da ẩm ướt, phấn sẽ bết lại, bít kín lỗ chân lông, rôm sảy càng mọc nhiều hơn nhất là những khe, kẽ. Cho trẻ mặc quần, áo rộng, bằng chất liệu coton thấm mồ hôi, ở trong phòng thoáng mát.
Một khi trẻ đã bị rôm sẩy thì cha mẹ không nên rắc phấn rôm nữa mà đưa trẻ đi khám để được tư vấn, điều trị phù hợp. Đồng thời, hạn chế để bé không gãi làm trầy xước da, dễ gây nhiễm trùng.
Để phòng các bệnh mùa nắng nóng cho trẻ, các chuyên gia y tế đều cho rằng, khâu vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm là rất quan trọng. Đối với trẻ nhỏ cần tắm rửa hằng ngày và lưu ý lau khô các kẽ để tránh ẩm ướt da làm cho vi khuẩn dễ phát triển gây viêm da. Tránh để hướng gió của quạt thổi trực tiếp vào mũi họng của trẻ, cho trẻ uống nhiều nước và tiêm phòng đầy đủ...

Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

Các bệnh thường gặp ở trẻ vào mùa hè (phần 2)

Mùa hè là thời điểm thuận lợi của nhiều bệnh, trong đó đáng lưu ý nhất là các bệnh do vi nhiễm virut, vi khuẩn, ký sinh trùng. Ở trẻ em, do sức đề kháng yếu, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, nên vào mùa nắng nóng có nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm rất cao.

 

3.  Sốt virut
- Dấu hiệu nhận biết: Trẻ thường sốt cao, đau mỏi người, đau đầu, có thể có triệu chứng của viêm đường hô hấp trên như: hắt hơi, sổ mũi, ho (thường có ít đờm trắng trong không có màu vàng, xanh). Trẻ có thể phát ban hay gặp nhất là do virut Rubella sởi gây ra. Biểu hiện chủ yếu là các ban đỏ mịn, thường xuất hiện vào ngày thứ 2-4 của bệnh, ban thường tuần tự từ đầu mặt xuống thân mình, chân và khi mất đi cũng theo tuần tự như vậy. Ngoài ra trẻ thường có nổi hạch ở cổ, gáy, các hạch này có thể đau và tồn tại lâu mới mất đi. 
- Cách phòng và điều trị: Bệnh thường diễn biến lành tính trong 3-5 ngày, điều trị chủ yếu là hạ sốt, bù nước điện giải bằng đường uống, bảo đảm dinh dưỡng và chăm sóc mũi họng tốt để hạn chế bội nhiễm. Tuy nhiên, cần lưu ý vì một số trường hợp có biến chứng, nên cần theo dõi để phát hiện các triệu chứng của viêm não như đau đầu, nôn nhiều, rối loạn ý thức, co giật, để đưa trẻ đến cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời.


4.  Viêm não Nhật Bản B
- Nguyên nhân :Đây là một bệnh nhiễm khuẩn thần kinh gây dịch về mùa hè do một loại Arbovirus nhóm B gây nên. Virut gây bệnh được muỗi truyền từ súc vật sang người. Bệnh viêm não Nhật Bản có tỉ lệ tử vong khá cao hoặc để lại di chứng thần kinh nặng nề.
- Dấu hiệu nhận biết: Biểu hiện thường gặp là: sốt cao, đau đầu, nôn, rối loạn ýthức, co giật rồi đi vào hôn mê nhanh chóng. Một số trường hợp có biểu hiện liệt thần kinh. 
- Cách phòng và điều trị: Khi trẻ có những biểu hiện trên, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị nhằm hạn chế tỷ lệ tử vong và di chứng sau này. Phòng ngừa bệnh cần phải giữ môi trường trong sạch, nhà ở thoáng mát, nằm màn khi ngủ, phun thuốc diệt muỗi và côn trùng, tiêm phòng vaccin viêm não Nhật Bản cho trẻ đúng lịch.

Các bệnh thường gặp ở trẻ em khi hè đến


Với không khí nóng ẩm, mưa nhiều của mùa hè là thời điểm thuận lợi của nhiều bệnh, trong đó đáng lưu ý nhất là các bệnh do vi nhiễm virut, vi khuẩn, ký sinh trùng. Ở trẻ em, do sức đề kháng yếu, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, nên vào mùa nắng nóng có nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm rất cao.


1. Say nắng
- Nguyên nhân : Đây hiện tượng do nhiệt độ và tia cực tím (tia tử ngoại) củamặt trời gây ra. Tia tử ngoại có khả năng xuyên qua lớp sừng của da tới hạ bì gây cháy da (bỏng độ I) và say nắng. Nhiệt độ cao làm giãn mạch não gây ra tăng áp lực sọ và làm nhức đầu, có thể kèm theo nôn mửa hay hôn mê, co giật do ức chếvỏ não - làm tăng các hoạt động thần kinh tự động dưới vỏ. 
- Cách phòng tránh: Phòng say nắng cho trẻ bằng cách không cho trẻ chơi ngoài nắng gắt; cho trẻ uống nhiều nước. Trong dịp hè, cần đặc biệt lưu ý khi cho trẻ về quê hoặc đi tắm biển, giữ không cho trẻ chơi ngoài nắng từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Ngoài ra, nên tăng cường các thức ăn có thể hỗ trợ cơ thể chống lại các ảnh hưởng của ánh nắng và chống sự ôxy hóa như: các thức ăn giàu caroten (dưa hấu, dưa vàng, cải bó xôi...); vitamin E (dầu đậu nành, hạt điều, hạt dẻ...); vitamin C (trà xanh, trái cây tươi, rau cải xanh...).

 2. Tiêu chảy cấp
- Dấu hiệu nhận biết: Bệnh tiêu chảy là đi tiểu phân lỏng nhiều hơn 3 lần trong ngày. Riêng trẻ sơ sinh bú mẹ, có thể từ 5-6 lần trong ngày. Ở trẻ dưới 3 tuổi thì trung bình mỗi năm sẽ mắc 1-3 đợt bệnh tiêu chảy.
- Nguyên nhân: Trẻ bị tiêu chảy có thể do nhiều lý do, nhưng thường gặp nhất là do đường ruột trẻ bị nhiễm trùng do vi rút, vi trùng, hoặc ký sinh trùng. Ngoài ra, trẻ bị tiêu chảy có thể do dị ứng với thức ăn, bất dung nạp thức ăn, chế độ ăn không phù hợp với lứa tuổi, sử dụng kháng sinh kéo dài...
- Cách phòng tránh và điều trị: 
Khi trẻ bị tiêu chảy cấp, cần cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường. Nếu trẻ còn bú cần cho bú nhiều và lâu hơn. Cần cho trẻ uống thêm dung dịch bù nước (ORS) sau mỗi lần đi tiêu lỏng hay sau khi nôn ói. Ngoài ORS, trẻ trên 6 tháng tuổi còn có thể uống nước súp, nước cơm, nước cháo, nước dừa, nước hoa quả tươi không đường, nước chín để nguội.
Ở trẻ lớn hơn thì khẩu phần ăn hàng ngày nên được tiếp tục và tăng dần lên. Ở những trẻ có nôn ói thì khẩu phần ăn nên được chia ra làm nhiều bữa nhỏ. Sau khi hết tiêu chảy nên cho bé ăn nhiều hơn để hồi phục lại dinh dưỡng cho bé.
Khi trẻ bị tiêu chảy cấp, việc sử dụng kháng sinh và các men tiêu hóa vi sinh cần phải theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc trị tiêu chảy.
Ngoài ra, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế nếu trẻ có một trong các dấu hiệu như: Không ăn uống được và bỏ bú, sốt cao hơn, trẻ rất khát nước hoặc trong phân có máu.
Để phòng ngừa và giảm bớt nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy ở trẻ em, các bậc phụ huynh cần đảm bảo vệ sinh thực phẩm, nguồn nước, cho trẻ rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng trước và sau khi ăn. Đặc biệt, cần cho trẻ tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Uống vắc xin ngừa tiêu chảy do vi rút rota.

Lựa chọn máy xông mũi họng như thế nào cho tốt ?

Máy xông mũi họng hiện nay được sử dụng khá phổ biến bởi tác dụng phòng và điều trị hiệu quả các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp. Tuy nhiên, việc chọn mua máy xông mũi họng như thế nào cho tốt và chất lượng lại là vấn đề lớn đối với nhiều người.


Sau một thời gian dài tìm hiểu tâm lý khách hàng và nghiên cứu sản phẩm, Apus khuyên bạn trước khi chọn mua một máy xông mũi họng cần quan tâm đến những tiêu chí sau:

1. Chọn máy xông mũi họng cho bệnh nào?

Để điều trị tốt và dứt điểm bệnh, ngoài dùng đúng thuốc, đúng liều lượng còn phải chọn đúng loại máy cần dùng. Các máy khác nhau tạo ra các hạt sương kích thước khác nhau, những hạt >8 Micrometer chỉ đọng lại ở vùng hầu họng, hạt 3 -5 micrometer sẽ vào sâu trong phế quản nhỏ và các phế nang, còn những hạt quá nhỏ (0.3-0.5 micrometer) sẽ bị bệnh nhân thở ra ngoài.
- Máy xông mũi họng có kích thước hạt sương từ 3-5micrometer thường dùng để điều trị cho bệnh hen suyễn, viêm mũi dị ứng…
- Những máy có hạt sương lớn hơn để điều trị các bệnh về mũi họng.
- Một số máy còn làm sạch đường hô hấp khi xông nước muối sinh lý.

2. Chọn máy phù hợp với lứa tuổi ?

Máy xông mũi họng Omron NE C801 KD là dòng máy được phụ huynh và các em nhỏ ưa thích
+ Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ:
-Khi chọn mua máy xông mũi họng, các bậc phụ huynh nên lưu ý đến những máy có tốc độ phun nhẹ, hạt khí nhỏ (3-5 micrometer), chạy êm, có bộ lọc khí.
-Những máy có mặt nạ, nhỏ gọn, màu sắc tươi sáng, có hình con vật vui nhộn (Omron NE C801 KD) sẽ là lựa chọn phù hợp.
+ Đối với bệnh nhân lớn tuổi:
- Việc lựa chọn trở nên đơn giản hơn, chủ yếu dựa vào loại bệnh, điều kiện kinh tế để quyết định.
- Loại máy phun khí, mặt nạ hay những máy mini của các thương hiệu Medisana, Microlife, Omron, Scala hay Philips…đều dùng được.
Ngoài ra, trên thị trường còn có nhiều sản phẩm dùng được cho cả người lớn và trẻ nhỏ như Medisana, Omron NE C29…được nhiều bác sĩ khuyên dùng.

3. Mua máy của hãng nào?

Đây là điều quan trọng nhất để chọn mua máy xông mũi họng tốt. Trên thị trường có rất nhiều thương hiệu đã qua kiểm định an toàn với những ưu điểm riêng :
- Omron (Nhật Bản) : thiết kế thông minh, nhỏ gọn, dễ sử dụng, hiệu quả nhanh, không ồn, giá cả phải chăng (>700 nghìn).
Chú ý tránh sử dụng hàng nhái mang tên Omron.
- Medisana (Đức) : dung tích hạt sương nhỏ như khói, độ ồn hạn chế, tiết kiệm thuốc, không gây quá liều và nguy hiểm cho người dùng. Giá trên dưới 2 triệu.
- Ngoài ra còn có sản phẩm của Microlife (1-1.5 triệu), Scala (500-1 triệu), Philips ((1-1.5 triệu)… rất đáng để bạn lựa chọn.

Lưu ý: Hiện nay, xuất hiện các mặt hàng nhái xuất xứ Trung Quốc, giá rẻ nhưng chất lượng không thể kiểm soát. Một số máy thiếu hệ thống lọc, ngăn bụi, nếu có cũng chỉ là miếng lọc thông thường, không đảm bảo vệ sinh. Sản phẩm thường kèm theo: mặt nạ xông người lớn và trẻ em, ống ngậm, ống xông mũi, miếng lọc khí, ống dẫn khí. Tuy nhiên, một số sản phẩm trên thị trường được chào bán với giá rẻ hơn, song có thể thiếu một số phụ kiện đi kèm. Bạn nên chọn những sản phẩm chính hãng, uy tín, có chế độ bảo hành lâu dài… 
Hãy là người tiêu dùng thông thái khi chọn mua máy xông mũi họng cho gia đình. Để đảm bảo hiệu quả và đô bền cho máy, bạn cần tham khảo hướng dẫn sử dụng và bảo quản máy trước khi dùng. Chúc bạn thành công!
Nguồn :  http://review.apus.vn/

100% mẫu cua ở Hà Nội bị nhiễm độc chì?!

Thông tin hầu hết thủy sản khai thác tại các hồ ở Hà Nội bị nhiễm kim loại do một nhóm nghiên cứu vừa đưa ra đã khiến nhiều người dân băn khoăn, lo lắng. Tuy nhiên, các đơn vị chức năng của Hà Nội cho rằng thông tin trên là chưa có cơ sở.



100% mẫu cua bị nhiễm độc chì?
Vừa qua, một nhóm nghiên cứu cho biết, trong tổng số 240 mẫu thủy sản gồm: Cá chim, cá trôi, cá trắm, cá mè, trai, cua, ốc, rô phi lấy từ 16 hồ trên địa bàn Hà Nội thì hầu hết đều nhiễm chì, thủy ngân, asenic, nikel, chrome. Các loại thủy sản như ốc, cua, trai có tỷ lệ nhiễm độc kim loại cao hơn cả do chúng sống ở tầng đáy.
Riêng cua thì 100% mẫu không đạt chuẩn. Còn các loại cá như rô phi, mè… vốn được coi là “an toàn” cũng có tới 50 – 60% mẫu không đạt tiêu chuẩn. Kết quả nghiên cứu cũng cho biết, các ao hồ ở Hà Nội đều bị ô nhiễm nặng. Lý giải về điều này, nhóm nghiên cứu cho rằng chính là do nguồn nước cung cấp bắt đầu từ các sông ngòi bị ô nhiễm nên đã làm cho nước ở các ao hồ, thủy vực trong thành phố bị ô nhiễm theo.
Trước thông tin này, nhiều bà nội trợ đã tỏ ra nghi ngại khi lựa chọn các loại thực phẩm như tôm, cua, cá, trai, hến… Chị Nguyễn Thị Lan – một người kinh doanh trai, hến và cua tại chợ Nghĩa Tân cho biết, chị không được biết thông tin thủy sản nhiễm kim loại nói trên. Theo chị Lan, mấy ngày trở lại đây, lượng hàng bán ra có giảm nhẹ nhưng chị chỉ nghĩ việc ế hàng là do trời mưa nên khách ít ăn loại thực phẩm này.
Về thông tin này, chị Lê Thị Hòa – một người bán lẻ rau và trai, cua, ốc tại chợ Thành Công đưa ra quan điểm: “Nếu nói hồ ở Hà Nội ô nhiễm thì làm sao kết luận là thủy sản ô nhiễm hết được. Nhà tôi bán số lượng ít và toàn bộ là đồ được đưa từ quê lên. Mấy hôm nay bán hàng cũng chậm hơn nhưng tôi không rõ là vì lý do gì?”.
Bà Nguyễn Thanh Mai – Khu tập thể Thành Công cho biết, nghe thông tin thủy sản nhiễm kim loại nên bản thân bà và nhiều người thân khác tạm thời không ăn nhóm thực phẩm này và sẽ đợi đến khi nào có kết luận chính thức thì sẽ sử dụng lại.


Thông tin có thực sự thuyết phục?
Mặc dù, việc kinh doanh thủy sản chưa rơi vào tình trạng ế ẩm, đình trệ nhưng những thông tin này cũng đã gây hoang mang cho nhiều người dân trên địa bàn Thủ đô.
Ông Nguyễn Huy Đăng- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, các nhà nghiên cứu không nói rõ là mẫu nước những hồ nào ô nhiễm. Ví dụ nếu là những hồ như hồ Bảy Mẫu, Yên Sở, Thiền Quang, Hoàn Kiếm thì sẽ là không hợp lý, bởi đây là những hồ chỉ làm đẹp và điều hòa môi trường chứ không có chức năng cung cấp thủy sản. Và những hồ đó chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong số 31.000 ha nuôi trồng thủy sản của Hà Nội mà thôi.
Ông Đăng cũng bày tỏ lời cảm ơn tới các nhà khoa học vì đã đưa ra kết quả cũng là để cơ quan quản lý quan tâm, cảnh báo nguy cơ ô nhiễm để đề phòng.
Ông Nguyễn Mậu Hải – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Hà Nội cũng cho biết, từ năm 2011 đến 2013 có 693 mẫu thủy sản trên địa bàn thành phố đã được lấy xét nghiệm (thủy sản nước ngọt là trên 50%). Kết quả cho thấy có 559 mẫu có kim loại nặng nhưng chỉ có 7 mẫu vượt chỉ số kim loại cho phép.

Sưu tầm